Nhiều người tiêu dùng hiện nay không chỉ mong muốn sở hữu những bộ cánh thời trang có thật ngoài đời, mà còn cả những trang phục trong không gian ảo, thể hiện cá tính và giá trị bản thân.
Thời trang kỹ thuật số hay những bộ cánh "ảo" sẽ được mặc như thế nào? Theo hướng dẫn của thương hiệu, khách hàng chỉ cần chọn ra mẫu mã ưng ý, đồng thời gửi kèm một bức hình cá nhân rõ nét trong đơn đặt hàng.
Sau 3 - 5 ngày làm việc, "kiện hàng" được chuyển về sẽ là một bức hình đã được photoshop vừa ý với dáng người của bạn trong thiết kế ưa thích.
Bạn có thể dùng nó để đăng lên mạng xã hội hoặc làm bất cứ thứ gì tùy thích và đây chính là một trong những hình thái thời trang trong metaverse.
Thực tế từ năm 2019, công ty chuyên thiết kế thời trang kỹ thuật số từ Hà Lan của chị Amber đã giúp những người đam mê thời trang có cái nhìn sơ lược về lĩnh vực mới mẻ này. Tại một cuộc đấu giá, bộ trang phục kỹ thuật số độc quyền dựa trên blockchain của công ty đã được bán với giá 8.000 Euro (hơn 200 triệu đồng).
"Bạn chỉ cần nói: Tôi muốn một thiết kế từ vải lụa, máy tính sẽ tính toán loại lụa này chuyển động như thế nào. Lần đầu tiên, bạn có thể tạo ra những sản phẩm may mặc trước khi cần đến chúng trong đời thực", chị Amber Jae Slooten, nhà thiết kế thời trang, Công ty The Fabricant, Hà Lan, chia sẻ.
Vậy tại sao nhiều người lại đồng ý trả một khoản tiền lớn như vậy cho một bộ trang phục thậm chí không tồn tại trên thực tế?
"Nhiều người cho rằng thời trang là vật chất, bạn cần phải chạm được vào nó và cảm nhận được nó. Nhưng với tôi, một khía cạnh sâu hơn của thời trang đó là giúp bạn thể hiện bản thân, cá tính riêng của mình, cho dù là hữu hình hay kỹ thuật số. Mục tiêu của chúng tôi là có ít nhất 10 triệu khách hàng vào năm 2025", chị Amber Jae Slooten, nhà thiết kế thời trang, Công ty The Fabricant, Hà Lan, cho biết.
Năm 2021, với sự hỗ trợ của công nghệ thiết kế 3D, trí tuệ nhân tạo và công nghệ thực tế ảo tăng cường, nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới đã bắt đầu giới thiệu các thiết kế của mình trên các nền tảng kỹ thuật số, chẳng hạn như các trò chơi điện tử trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát. Gucci thiết kế quần áo cho trò "The Sims" hay Louis Vuitton ra mắt trò chơi "Liên minh huyền thoại".
Không cần size cố định, không tiêu tốn nguyên vật liệu, cũng không sản sinh ra bất kỳ chất thải nào, ngành thời trang ảo được dự báo đạt giá trị lên tới 50 tỷ USD sau 3 năm tới.
Cuộc phiêu lưu đã bắt đầu từ bao giờ?
Năm 2020, việc chuyển đổi từ tư duy vật lý sang kỹ thuật số chưa bao giờ thể hiện một cách rõ ràng như vậy. Ngày càng xuất hiện nhiều các cuộc thảo luận thời trang đề cập đến các thuật ngữ công nghệ AR, VR, MR, XR...Tất cả nghe có vẻ cường điệu và lý tưởng hoá, nhưng từ lâu đã thâm nhập vào thế giới thời trang kể cả phân khúc bán lẻ hay xa xỉ, dù mang tính thương mại thực dụng hay hướng đến ý tưởng nghệ thuật sâu xa.
Kỷ nguyên Digital Fashion là kết quả của một cuộc cách mạng bền bỉ, được nhen nhóm và chờ đợi từ rất nhiều năm trước. Dưới áp lực của khủng hoảng Covid-19, việc sử dụng VR và AR để tăng cường trải nghiệm khách hàng được đẩy mạnh và dự báo trở thành top xu hướng nổi bật trong thời trang tương lai. Nhưng thật ra, cuộc cách mạng công nghệ thời trang đã khởi động từ thế kỷ trước, trải qua vô số thử nghiệm trong quá khứ cho đến khi đạt được kết quả đang mong đợi như ở hiện tại, đặc biệt là trong vài năm trở lại đây.
Tháng 3/2019, để mang tới một trải nghiệm thú vị cho sự ra mắt phiên bản mới của mẫu đồng hồ J12 mang tính biểu tượng, Chanel đã đặt hàng Mattrunks Studio tạo ra một ứng dụng tương tác VR làm nổi bật 3 chủ đề đặc trưng của J12: gốm hiệu suất cao, ô tô và cánh buồm. Từ đó đến nay, các thương hiệu trang sức và đồng hồ như Tissot, Tiffany & Co, Tacori, Helzberg Diamonds...đã tiếp cận AR/VR để mang lại sự đổi mới và tối ưu quy trình bán hàng của mình.
Tháng 4/2019, cú bắt tay của Moschino và Electronic Arts không chỉ đem lại BST cảm hứng The Sims đầy hoài niệm [*2], các fan của trò chơi tuổi thơ nổi tiếng này còn có thể mua sắm hàng hiệu Moschino cho avatar của mình trong game. Cuối tháng 6/2019, Gucci gửi ra một thông cáo báo chí, giới thiệu tính năng “thử giày” vừa được bổ sung vào ứng dụng của thương hiệu, từ đó cho phép khách hàng trải nghiệm AR trên những mẫu giày Ace sneakers. Nike cũng đã tạo ra NikeFit, một ứng dụng sử dụng body scanner để tìm các mẫu giày thể thao. Và Puma LQD Cell Origin Air 2019, được bao phủ bởi QR Codes để mở khoá một loạt các trải nghiệm AR thông qua ứng dụng chuyên dụng, trở thành đôi giày thể thao AR đầu tiên trên thế giới.
Từ tháng 9/2019 đến đầu năm 2020, NTK Nicolas Ghesquière lãnh đạo dòng thời trang nữ của Louis Vuitton đã ra mắt skin Prestige Louis Vuitton cho các nhân vật trong game League of Legends. Cũng trong năm 2019, một creative agency đến từ Berlin - Selam X đã tạo ra một ứng dụng AR cho Vetements, khiến các khách hàng Millennials và Gen Z của thương hiệu rất hào hứng chia sẻ trải nghiệm thú vị này trên mạng xã hội.
Thương hiệu Zara đã từng giới thiệu trải nghiệm AR tại 7 trong số các cửa hàng ở Mỹ từ tháng 4/2018. Trước đó, vào năm 2016, thương hiệu mỹ phẩm trang điểm Sephora được biết đến như một nhà tiên phong ứng dụng công nghệ “virtual try on”. Ứng dung Modiface Mirror cho phép khách hàng thử các shade khác nhau của bóng mắt và son môi chỉ bằng một nút chạm. Tháng 3/2017, thương hiệu tung ra tính năng “Virtual Artist” như một bản cập nhật cho ứng dụng của mình. Trong vòng vài năm, ngành bán lẻ thời trang và mỹ phẩm đã có hàng loạt ứng dụng công nghệ được phát triển, như Virtual Catwalk của Asos, DressingRoom của Gap, ModiFace của L'Oreal…